1.Học thuốc phải thấu cả nho lý, lúc rỗi nên xem những sách của bậc lương y thời trước, để gặp bệnh biết không biến, mới khỏi sai lầm.
2.Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem, đừng thấy người phú quí mà đi trước, nhà bần tiện mà đi sau.
3.Xem mạch cho đàn bà con gái, nhất là gái góa và các ni cô, phải bảo một người đứng bên để tránh sự hiềm nghi.
4.Đã là nhà làm thuốc phải để ý giúp người, mà không nên vắng nhà luôn, nhất là đi hành lạc.
5.Gặp chứng bệnh ngặt, muốn hết sức cứu vãn, nhưng nói cho nhà có bệnh biết trước là bệnh khó chữa, rồi hãy cắt thuốc.
6.Thuốc phải chọn vị tốt, và bào chế đúng phép chứ không được cẩu thả.
7.Gặp người đồng nghiệp, người học hơn mình thời thờ làm thầy, người cao minh thì kính cẩn, người kém mình thì nên khuyên bảo thêm, dù gặp người kêu ngạo cũng nên khiêm nhường.
8.Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc, ta càng thêm lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nghèo mà bị bệnh, thời ngoài sự cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm, nếu không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật.
9. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tùy ý vì làm thuốc là thuật thanh cao, thời phải có tiết thanh cao.
10.Tôi xét, làm thuốc là “nhân thuật” giữ tính mạng cho người, vậy không nên mưu lợi. Ngạn ngữ có câu: “Ba đời làm thuốc hay, đời sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng”, tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân cha mẹ người bệnh ốm ngặt, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được, thế là lập tâm bất lương, hơn nữa, đối với người cao cấp, thì ân cần để tính lợi, đối với người nghèo túng thời lại lạnh nhạt coi thường, cho việc làm thuốc như nghề buôn bán thời không đáng kể. Cổ nhân có nói:”không làm quan giỏi cũng làm thầy thuốc giỏi”, vậy tôi chỉ nghĩ sao cho không hổ với lương tâm, nên bệnh nào không thể chữa được, thời bảo trước cho nhà có bênh biết. Nếu gặp những người tiếc của coi thường tính mệnh, hay là không đủ ăn mặc, thời tôi lại chu cấp thêm.
--HẢI THƯỢNG Y - TÔN TÂM LĨNH--